Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Thủ đô

May 11 2017

Với ưu thế có hơn 1.000 làng nghề truyền thống, Hà Nội mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, nhằm góp phần cải thiện đời sống người dân làng nghề và phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Vẫn còn hạn chế trong xuất khẩu

Hà Nội với 36 phố nghề, 1.350 làng nghề, trong đó có nhiều nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ có lịch sử hình thành phát triển hàng trăm năm như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Duyên Thái, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, thêu Quất Động, khảm trai Chuyên Mỹ, mây tre đan Phú Vinh... Các làng nghề Hà Nội đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô; xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, thực tế lâu nay, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thường theo kinh nghiệm truyền thống, sản phẩm chậm đổi mới, thiếu sáng tạo, độ tinh xảo và kém sức cạnh tranh. Thậm chí, nhiều mẫu mã sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài nên chỉ có thể đáp ứng một số lô hàng trong thời gian nhất định, không bền vững. Bởi vậy, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng giá trị xuất khẩu và đóng góp của ngành này còn hạn chế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, làng nghề chỉ sản xuất và bán những gì mình có, ít tìm hiểu thông tin xem thị trường cần những sản phẩm như thế nào và chưa gắn kết được các khâu trong chuỗi giá trị từ thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên phụ liệu đến sản xuất và tiêu thụ.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, rất cần sự đầu tư bài bản, từ việc thiết kế mẫu mã cho phát triển thị trường.

“Hội nhập rồi mà cứ bán cái gì mình có, không cải tiến mẫu mã và sáng tạo sản phẩm là thua ngay trên sân nhà. Chúng ta cần học Nhật Bản về việc phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nhật Bản không có nguyên liệu phong phú như chúng ta nhưng lại làm rất phong phú”, ông Dần cho biết.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, vừa qua, Hà Nội đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất thương mại liên quan đến làng nghề. Đặc biệt, Thành phố đã tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công, hỗ trợ mời các nhà thiết kế tư vấn ở trong và ngoài nước đến trực tiếp tại các làng nghề, mở các lớp đào tạo tập huấn liên quan đến mẫu mã sản phẩm để cho các doanh nghiệp làng nghề nâng cao trình độ, để làm sao có các sản phẩm mẫu mã mới đáp ứng được nhu cầu thị hiếu tiêu dùng của người dân các nước.

Sau 6 lần tổ chức, Hội chợ Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội đã góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế, qua đó thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu mặt hàng nhiều tiềm năng này. Năm nay, Thành phố cũng đã tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm và đã có trên 40 bộ sản phẩm đã đạt giải. Tiếp đến là tổ chức cho các doanh nghiệp đi xúc tiến thương mại tại thị trường trong và ngoài nước để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm làng nghề và tổ chức các chương trình dạy nghề khuyến công, để đào tạo nghề và hỗ trợ cho các làng nghề phát triển.

Bà Lan cũng cho biết, ngoài xuất khẩu thì thị trường trong nước cũng hết sức quan trọng, và cũng được các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp hết sức chú trọng, quan tâm. Thành phố cũng đã tổ chức rất nhiều đoàn doanh nghiệp đi tham gia hội chợ các tỉnh để quảng bá sản phẩm và để người dân trong nước biết đến sản phẩm làng nghề nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội.

“Chúng tôi cũng đã tổ chức kết nối làng nghề với các tour du lịch để tham quan mua các sản phẩm làng nghề. Kết nối doanh nghiệp với các nhà hàng khách sạn, các resort để làm thế nào các sản phẩm làng nghề có thể đưa vào các khách sạn lớn, những nhà ăn, khu du lịch sinh thái, năm nay chúng tôi cũng đã mời trên 10 nghìn khách đến thăm quan mua sắm tại hội chợ”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.

Là một doanh nghiệp tích cực tham gia các kỳ hội chợ của Sở Công Thương tổ chức, bà Lê Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Đông Nam Á cho biết, doanh nghiệp đã nhiều lần tham dự hội chợ và lần nào cũng tìm kiếm được thêm bạn hàng, đơn hàng mới.

“Các năm trước, công ty đã ký được hợp đồng xuất khẩu sang Nhật Bản trị giá 8.000 USD, sang Pháp trị giá 15.000 USD... và vẫn đang tiếp tục xuất khẩu sang các thị trường này. Thành phố đã có nhiều hỗ trợ như miễn phí thuê gian hàng, bố trí người phiên dịch... để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp”, bà Thuận nói.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, để xuất khẩu được hàng thủ công mỹ nghệ, doanh nghiệp trong nước cần cố gắng rất nhiều. Bởi các làng nghề, doanh nghiệp hiện nay chủ yếu sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được các đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng, cũng như số lượng của các nhà nhập khẩu nước ngoài. Nhiều khi doanh nghiệp nhận được đơn hàng lớn mà không dám nhận, vì huy động cả làng cùng làm vẫn không đáp ứng được yêu cầu về số lượng và thời hạn giao hàng.

Với ưu thế có hơn 1.000 làng nghề truyền thống, TP. Hà Nội mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, nhằm góp phần cải thiện đời sống người dân làng nghề và phát triển kinh tế-xã hội. Thành phố sẽ tiếp tục triển khai các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề vay vốn, mở rộng mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại...

Đồng thời, Sở Công Thương cũng mong muốn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động, nhanh nhạy tiếp cận thị trường, đổi mới quản lý và sản xuất để ngành nghề thủ công mỹ nghệ phát triển mạnh mẽ hơn.

(Thùy Linh, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, 21/10/2016)

Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Thủ đô